6 ĐIỀU DU HỌC SINH PHÁP NĂM ĐẦU CẦN BIẾT VỀ CUỘC SỐNG ĐẠI HỌC 🎒 Alors Queenie

Xin chào mọi người, chào mừng mọi người đã quay trở lại channel của mình 😀 Video này sẽ là một video tâm sự một chút bởi vì mình sẽ chia sẻ với mọi người, đặc biệt là với những bạn nào năm tới sẽ bước vào năm đầu Đại học hay là sẽ đi du học năm đầu ti

Xin chào mọi người, chào mừng mọi người đã quay trở lại channel của mình 😀 Video này sẽ là một video tâm sự một chút bởi vì mình sẽ chia sẻ với mọi người, đặc biệt là với những bạn nào năm tới sẽ bước vào năm đầu Đại học hay là sẽ đi du học năm đầu tiên về những điều mình nghĩ mọi người cần biết cho năm học đầu tiên rất quan trọng này. Ở thời điểm hiện tại thì mình đã ra trường được khoảng hơn 2 năm rồi, nhưng khi nhớ lại thời điểm năm 2012 là năm đầu tiên mà mình qua Pháp du học, thì mình thấy hồi đấy mình siêu siêu ngố luôn. Có rất nhiều thứ mình không biết, nhiều thứ mình thấy bỡ ngỡ, mình đã ước ở thời điểm ấy có một anh/chị nào đấy có thể chia sẻ cho mình những bí kíp, những thông tin để giúp cho năm học đầu tiên của mình diễn ra suôn sẻ hơn.

Thế nên với video lần này, mình hi vọng sẽ chia sẻ được với mọi người những điều thú vị, những điều bổ ích để mọi người có một năm học đầu tiên có nhiều kinh nghiệm hơn mình ngày xưa nhé ! Mình đã ghi rất nhiều điều thú vị trong máy tính của mình rồi, thế nên bây giờ chúng mình còn chờ đợi gì nữa nhỉ, cùng bắt đầu video nhé 😀 Điều đầu tiên mà mọi người sẽ nhận thấy đấy là việc tiếp thu thông tin hay kiến thức và cách học ở trường Đại học thì sẽ khá khác so với thời điểm chúng mình học cấp 3. Khi mà chúng mình học cấp 3 thì chúng mình sẽ lên lớp, có rất nhiều tiết học, môn học và việc tiếp nhận thông tin thường sẽ một chiều.

Tức là chúng mình sẽ nghe thầy cô giảng bài và sau đó ghi chép lại, sử dụng những kiến thức này để có thể làm bài kiểm tra, thi giữa kỳ hay thi cuối kỳ. Khi học Đại học mọi người sẽ thấy mọi thứ khác đi một chút, tức là ngoài những môn tính toán cần sự chính xác 100% thì ở những môn còn lại, giảng viên sẽ yêu cầu sinh viên chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin và sử dụng những thông tin tìm kiếm được trong những môn học của mọi người. Có thể từ sách vở, từ báo chí, có thể từ trên mạng. Thường ở mỗi đầu năm học, mỗi giảng viên sẽ đưa cho mọi người một số nguồn thông tin cần thiết từ những đầu sách hay là những nguồn thông tin hữu ích khác để mọi người có thể tìm hiểu.

Đấy cũng là một cách tốt để mọi người học được cách tìm kiếm thông tin, chọn lọc thông tin và sau đó sử dụng những thông tin đó sao cho hợp lý. Một điều nữa đấy chính là khi mọi người học Đại học thì một số môn sẽ có khá nhiều những bài thuyết trình, bài tập nhóm trên một cas pratique hay là trên một chủ đề nhất định để có thể tạo điều kiện cho sinh viên có khả năng tự đặt câu hỏi và sau đó tự tìm cách giải quyết vấn đề. Khi mà mọi người càng lên bậc học cao hơn, chẳng hạn như từ Licence lên Master, tức là từ bậc Cử nhân lên bậc Thạc sĩ, mọi người sẽ thấy tần suất của những bài tập nhóm hay bài thuyết trình sẽ càng nhiều hơn nữa.

Mình còn nhớ khi mình học Master 2, năm cuối của bậc Thạc sĩ thì thời gian trên lớp của mình gần như chỉ dành cho bài tập nhóm. Giảng viên sẽ đóng vai trò đưa thông tin ban đầu cho mọi người và sau đó trong suốt quá trình mọi người làm bài tập nhóm hay làm bài thuyết trình thì sẽ hỗ trợ mọi người tìm kiếm những nguồn thông tin chính xác, cụ thể nhất. Điều thứ hai là điều mình sẽ khuyên không phải chỉ cho những bạn sinh viên năm đầu mà cho cả những bạn sinh viên năm 2, năm 3, năm 4, năm 5 Tất cả các bạn sinh viên nếu như có thời gian và có điều kiện thì hãy tham gia những câu lạc bộ và hoạt động ngoại khoá của trường.

Nếu như được quay trở lại thời gian cách đây khoảng 6,7 năm thì mình sẽ khuyên bản thân mình của thời gian đấy là hãy bớt nhút nhát đi một chút và tham gia nhiều hơn những hoạt động trường tổ chức. Bởi vì lợi ích đầu tiên đấy chính là mọi người có thể làm quen với rất nhiều người bạn mới. Khi mà mọi người đặt chân sang một đất nước mới, như ngày xưa khi mình mới sang du học hay là khi mọi người ở Việt Nam, mọi người bước chân vào một trường Đại học mà mọi người ít quen biết hay thậm chí không quen ai cả, thì việc tham gia các câu lạc bộ có thể giúp mọi người làm quen thêm rất nhiều bạn. Bởi vì nếu như mọi người như mình ngày xưa, ở trên giảng đường thì có khoảng mấy trăm người, còn khi học ở các nhóm nhỏ để làm bài tập thì các lớp thay đổi khá nhiều, thế nên nếu mọi người hơi nhát thì sẽ rất khó để tìm bạn.

Nhưng khi mọi người tham gia một câu lạc bộ thì ít nhất mọi người cũng có thể đảm bảo được những bạn tham gia cùng câu lạc bộ với mình có 1 sở thích chung rồi đúng không ? Lợi ích thứ hai chính là mọi người có thể thử những đam mê, sở thích của bản thân mà trước đấy mọi người chưa có thời gian để thử chẳng hạn. Ở mỗi trường Đại học thường có khá nhiều hoạt động, từ những câu lạc bộ hoạt động, sinh hoạt khá thường xuyên cho đến những sự kiện chỉ diễn ra trong vài ngày, phù hợp với rất nhiều đối tượng sinh viên và quan trọng nhất là chi phí vô cùng hợp lý luôn. Mọi người có thể tham gia những business game, mọi người có thể tham gia một cuộc thi nấu ăn hay một câu lạc bộ chuyên tổ chức các sự kiện cho sinh viên chẳng hạn, hay mọi người có thể hoạt động tình nguyện.

Rất nhiều ví dụ luôn thế nên mọi người đừng ngại thử nhé ! Và có một lời khuyên nữa của mình dành cho mọi người đấy chính là trong năm đầu tiên, mọi người hãy đăng ký một vài câu lạc bộ mọi người cảm thấy thích. Nếu sau đấy mọi người cảm thấy mình bị áp lực nhiều từ việc bài vở và mọi người không thể đảm bảo được là mình có thể hoạt động tốt trong tất cả các câu lạc bộ thì đừng ngại rút ra khỏi một vài câu lạc bộ để giữ cho mình tập trung nhất có thể và hoạt động tốt nhất có thể trong các câu lạc bộ và các hoạt động mọi người giữ lại nhé 🙂 Và một lợi ích nữa mình muốn chia sẻ với mọi người khi mà mọi người tham gia một câu lạc bộ hay một hoạt động ngoại khoá và đây là một điều mà mọi người có thể sử dụng mãi sau này khi mà mọi người đã đi làm.

Đấy chính là khi tham gia những hoạt động này, mọi người sẽ có thời gian rèn luyện những kỹ năng mềm của bản thân. Từ việc thuyết trình, nói trước đám đông, làm việc nhóm hay giao tiếp với đối tác đấy là những kỹ năng mà sau này mọi người sẽ sử dụng rất nhiều ở trong môi trường làm việc sau này. Điều thứ ba là điều mình thấy các bạn học sinh/sinh viên đang đắn đo suy nghĩ rất nhiều đấy chính là việc đổi ngành học. Lời khuyên của mình dành cho mọi người đấy là nếu trong học kỳ đầu tiên hay năm học đầu tiên mọi người cảm thấy thật sự mình không phù hợp với ngành học mà mình lựa chọn ban đầu thì đừng ngại đổi sang một ngành khác.

Khi mình còn học cấp 3, lớp 11, 12, mình đã nghĩ là một khi đã sang du học thì trong vòng 3 năm mình sẽ phải hoàn thành bậc cử nhân, sau đấy mình sẽ phải học thạc sĩ luôn rồi tìm một công việc ổn định Nhưng khi sang bên này mình mới thấy các bạn sinh viên ở đây có rất nhiều lựa chọn, mọi người khá thoải mái trong việc đổi ngành học để có thể thật sự tìm thấy một công việc, ngành nghề mình yêu thích. Mình biết một số bạn, trong quá trình phân vân, suy nghĩ xem mình có đổi sang một ngành mới được hay không thì sẽ nghĩ “Chết rồi, bây giờ mình đổi sang một ngành học hoàn toàn mới không liên quan gì đến ngành học cũ thì mình sẽ bỏ phí quãng thời gian 1 năm vừa rồi theo đuổi ngành học đấy.

Nhưng mọi người thử nghĩ ngược lại xem, thay vì việc mọi người bỏ từ bây giờ để có thể theo học ngành mình yêu thích, sau này có một công việc mình yêu thích, đam mê, thì mọi người ở lại theo học một ngành và sau này có một công việc mà mọi người cảm thấy ít hứng thú để có thể theo đuổi nó trong một khoảng thời gian rất dài. Liệu cái giá đó có xứng đáng để đánh đổi hay không ? Nhưng ngược lại, lời khuyên của mình dành cho mọi người chính là trước khi đổi ngành nghề mọi người nên tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình muốn chọn, tìm hiểu xem cơ hội nghề nghiệp của những ngành này là gì, liệu mình có đủ kỹ năng, đam mê và đủ độ bền bỉ để theo học ngành này không.

Bởi vì điểm khác biệt giữa những du học sinh người nước ngoài và các bạn sinh viên người Pháp chính là khi mọi người là người Pháp, mọi người có thể đổi ngành bao nhiều lần tùy ý. Tức là ở thời điểm mọi người 27, 28 tuổi mọi người hoàn toàn có thể bắt đầu học một ngành mới tinh. Nhưng bởi vì chúng mình là du học sinh người nước ngoài nên nhiều khi sẽ có những vấn đề phức tạp hơn về giấy tờ thế nên mình thực sự khuyên là nếu mọi người thực sự muốn đổi ngành đổi nghề thì mọi người hãy suy nghĩ từ rất sớm, ở thời điểm năm đầu tiên mọi người qua đây du học nhé 🙂 Điều thứ 4 mà mình muốn chia sẻ với mọi người trong video này đấy chính là chúng mình hãy học cách chăm sóc cho bản thân thật tốt.

Khi mọi người nghe đến đây mọi người có thể nghĩ là “Mmm, chăm sóc cho bản thân mình thì có gì khó đâu” nhưng mọi người ơi, nhiều khi khó không tưởng luôn mọi người ạ. Khi mọi người sang Pháp du học hay khi mọi người ở Việt Nam, mọi người chuyển sang một thành phố khác để học Đại học chẳng hạn thì mọi người sẽ có một cuộc sống độc lập, xa gia đình, xa bố mẹ và phải chăm lo cho bản thân từ A đến Z. Rất dễ để chúng mình nói là “Thôi bữa này không cần ăn đâu, bữa khác ăn cũng được” hay là mọi người sẽ ăn linh tinh cho một bữa nào đấy hay là khi bị ốm, mọi người nằm bề bệt trên giường mà không thể chui ra khỏi giường để ăn gì đấy hay uống thuốc chẳng hạn.

Mọi người sẽ thấy là những lúc đấy, việc biết cách chăm sóc bản thân sẽ giúp ích cho mọi người rất nhiều. Chúng mình có thể học nấu một vài món ăn đơn giản, một vài loại đồ uống, hay chuẩn bị sẵn một vài loại thuốc cơ bản để khi mọi người ốm hay có vấn đề gì về sức khỏe thì có thể dùng được ngay. Hay là học cách giặt đồ, thỉnh thoảng tập thể dục, đi bộ một chút để sức khỏe của mình nâng cao hơn. Nhiều khi mọi người nghĩ đây là những việc vô cùng nhỏ nhặt nhưng khi mọi người trải nghiệm một cuộc sống độc lập hơn thì mọi người sẽ thấy những việc này giúp cho mọi người rất nhiều 🙂 Điều tiếp theo là một điều mình đã chia sẻ khá nhiều lần trong các buổi workshop hay các sự kiện mình có cơ hội tham gia về chủ đề du học Pháp, đấy chính là mọi người đừng đặt quá nặng bài toán tài chính trong thời gian đầu mọi người mới qua đây du học.

Mình rất hiểu về chủ đề này vì ngày xưa mình cũng đã từng ở trong hoàn cảnh như thế và mình hiểu khi là du học sinh, mọi người sẽ muốn độc lập nhanh nhất có thể để gia đình ở nhà không lo lắng. Nhưng mà như mình đã nói ở phía trên, năm học đầu tiên là thời điểm rất quan trọng để mọi người có thể tập trung học và xem ngành học mình lựa chọn ban đầu có phù hợp với bản thân không và có xứng đáng để mình theo đuổi trong thời gian tiếp theo không. Hay mọi người sẽ muốn chuyển qua một ngành khác và mọi người từ đấy sẽ phải tìm hiểu rất nhiều thông tin để chắc chắn về quyết định của bản thân. Thế nên mình khuyên mọi người ở thời điểm năm đầu tiên hãy tập trung vào việc học để có thể xây dựng một nền tảng tốt nhất cho những năm học sau.

Và hơn nữa, việc chuẩn bị và xây dựng một nền tảng tốt ngay từ ban đầu, tức là mọi người sẽ có những kiến thức mọi người học được trên lớp, có những kỹ năng mọi người học được trên lớp hay trong các câu lạc bộ và hoạt động ngoài khóa mọi người tham gia sẽ mở cho mọi người rất nhiều cơ hội ở trong những năm học sau. Cơ hội để mọi người đi thực tập hay tìm alternance thì việc làm thực tập hay alternance cũng sẽ là một nguồn thu nhập cho mọi người và giúp mọi người làm việc trong ngành mình học nữa. Và đương nhiên ở những năm học sau, nếu mọi người cảm thấy mình đã vững vàng hơn rồi và tìm được hướng đi cho bản thân rồi và ngoài thời gian mọi người đi làm thực tập hay alternance mọi người vẫn có thời gian rảnh thì có thể đi làm thêm.

Có thể là cuối tuần chẳng hạn thì cũng sẽ là một cách để mọi người có nguồn thu nhập khá hơn một chút. Điều cuối cùng mình muốn chia sẻ với mọi người trong video này cũng liên quan đến điều trước luôn, đó chính là mọi người hãy học cách quản lý tài chính của bản thân sớm nhất có thể. Mọi người có thể bắt đầu từ một bảng thu chi rất đơn giản, một bên sẽ là những khoản thu tức là những nguồn thu nhập mọi người có từ việc đi làm thêm, đi làm thực tập hay alternance hay những nguồn khác và một bên là những khoản chi. Từ những khoản chi cố định hàng tháng như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền ga, tiền Internet, tiền thẻ đi lại, vv.

Cho đến những khoản dao động hơn như tiền ăn uống hay tham gia những hoạt động vui chơi giải trí. Việc quản lý tài chính sẽ giúp mọi người yên tâm hơn rất nhiều, tránh tình trạng một khoản chi nào đó tự nhiên xuất hiện mà mọi người nhận ra trong tài khoản của mình không có đủ tiền vì sắp tới mình phải trả tiền nhà, tiền điện hay tiền ga chẳng hạn. Và nếu như mọi người quản lý tài chính của mình tốt cân bằng thật tốt thì có thể mọi người sẽ có một số khoản dư để có thể chi cho những hoạt động mình thích như đi du lịch hay là học một lớp học gì đó mới hay tham gia một hoạt động mà từ lâu lắm rồi mọi người muốn tham gia, vv.

https://www.youtube.com/watch?v=tqYYmsqpn4c

https://youtu.be/tqYYmsqpn4cXin chào mọi người, chào mừng mọi người đã quay trở lại channel của mình 😀 Video này sẽ là một video tâm sự một chút bởi vì mình sẽ chia sẻ với mọi người, đặc biệt là với những bạn nào năm tới sẽ bước vào năm đầu Đại học hay là sẽ đi du học năm đầu ti

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top