Bạn đã bao giờ đi tìm việc mà đọc được những JD như: Tuyển nhân viên content marketing mà cần phải biết tất cả từ quản lí fanpage, lên kế hoạch nội dung cho website, chụp ảnh, quay phim, chăm sóc khách hàng, thiết kế, phải biết phối hợp với nhiều phòng ban, bộ phận khác để phát triển như bộ phận công nghệ thông tin, bộ phận cửa hàng nghiên cứu, phòng kỹ thuật,…các kỹ năng cơ bản sương sương như chụp ảnh bằng máy DSLR, nói, đọc, viết tiếng Anh, tin học văn phòng, thành thạo Ai, Pts, Pr,…và các kỹ năng mềm khác. Nhưng lương thoả thuận cuối cùng thì 5 triệu. Ôi! với khối lượng công việc và mức lương như này thì có mà ngã ngửa, vấn đề sử dụng lao động quá mức, thậm chí bắt ép nhân viên làm những công việc không đúng chuyên môn, đây không phải là thúc đẩy kinh nghiệm làm việc mà là bốc lột. Vậy bạn sẽ chọn cho mình một công việc an nhàn nhưng lương khiêm tốn hay vất vả mà thù lao cao? Bài viết của Internship hôm nay sẽ cho bạn thêm nhiều góc nhìn mới về vấn đề này.
Như thế nào là một công việc đủ?
Đủ khả năng
Bạn phải đủ khả năng gánh vác được công việc đó, một công việc cũng có thể gọi là khó khăn nhưng nó vẫn trong phạm vi cho phép bạn làm được, chỉ khi bạn có thể kiểm soát, đo đếm, với tay tới được nó thì bạn mới có thể cống hiến hết mình với công việc.
Đủ vui vẻ
Một yếu tố luôn luôn phải cân nhắc đó là bạn cần phải có được cho mình một công việc thoả mãn với mong ước của mình, sông và cống hiên hết mình với nó. Hãy nghĩ và so sánh bạn trước và sau khi vào công ty, cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào, bạn có hài lòng với việc cấp trên giao hay việc tiếp xúc với đồng nghiệp cùng những ly cafe hay những bữa ăn trưa.
Đủ chi tiêu
Lương sẽ không phải là tất cả nhưng nó là yếu tố quan trọng đối với một người đi tìm việc. Làm sao bạn có thể chi tiêu cho đủ mọi thứ như thực phẩm, quần áo, sinh hoạt chỉ bằng tình yêu, “đam mê” với công việc. Tuy nhiên thì lương cao sẽ đi cùng với công việc áp lực, bạn nên cân nhắc kĩ rằng bạn cần bao nhiêu mỗi tháng để chi trả hoá đơn cũng như các tiện ích khác từ đó xác định một công việc “đủ” cho mình.
Đủ phát triển
Tìm hiểu về cơ hội phát triển của bản thân, có được tầm nhìn và hiểu được khả năng thăng tiến ở công ty có như thế bạn mới có được cơ hội phát triển bản thân.
Những kiểu người khi đi làm
Luôn đề cao lợi ích cá nhân
Tôi sẽ nhận được gì, tôi sẽ có được gì? Luôn chú ý đến lợi ích cá nhân trước đó là kiểu làm việc thiếu chuyên nghiệp.
Luôn “sòng phẳng”
Bạn trả tôi 50 đồng tôi sẽ làm theo đúng giá 50 đồng, không hơn không kém. Kiểu người này không có chí cầu tiến và không muốn công hiến cho công việc chỉ làm đúng và đủ bổn phận của mình, chỉ muốn cho bao nhiêu thì nhận lại bấy nhiêu.
Làm vì đam mê
Có thể kiểu người này làm việc vì niềm vui thấy bản thân đang sống với công việc, họ đang cố làm thật nhiều để rèn luyện bản thân và cống hiến hết mình cho xã hội. Họ không đòi hỏi và làm nhiều hơn những gì họ nhận được, nhưng không phải vì họ không quan tâm đến tiền mà chỉ là họ có cái nhìn xa muốn tốt cho tương lai, tìm đến con đường dài, những thứ quan trọng hơn.
Với sự nhiệt tình đó rồi thì đồng nghiệp mọi người xung quanh sẽ nhận ra và sẽ có nhiều cơ hội đến với họ hơn, lúc đó chính là cơ hội để họ tăng lương, họ sẽ được các tổ chức lớn săn lùng và đón nhận.
Có nên chọn việc lương thấp để được sống thảnh thơi?
Đấy cũng là nói khéo cho một công việc “ổn định”. Ổn định khi sáng đi làm tối về nhà đều đặn, an nhiên, ổn định khi lương cứ mãi nằm ở mức không thể nào dịch chuyển dù là lên hay xuống, ổn định khi chờ đến thâm niên để được tăng lương và ổn định mãi với cái ghế đang ngồi….
“Tôi từng đi làm xa để đổi lấy mức lương cao hơn. Khoảng 3-5 tháng mới về thăm vợ con một lần. Sau đó, tôi quyết định tìm công việc khác để được về gần nhà dù mức lương thấp hơn. Mỗi sáng, tôi có thể đưa con đi học lớp mầm, chiều đón con về. Buổi tối, vợ chồng phụ nhau nấu cơm, rửa chén, tắm rửa cho con… Tối đến, tôi có thể kể chuyện cho con nghe, điều đó tiền không mua được. Nếu tôi đi làm xa, vợ phải làm hết việc nhà và chỉ gọi video được vài phút với con. Mỗi người có cách sống và tận hưởng hạnh phúc riêng” – Một tài khoản mạng chia sẽ.
Nhưng chọn an nhàn chưa chắc đã đúng
“Đứng trên vị trí của tôi, một người dân tỉnh lẻ, đang ở trọ, có một vợ, một con nhỏ, hai bên nội ngoại đều nghèo, đang sống và làm việc tại TP HCM thì không thể mạnh miệng mà nói ‘chỉ cần lương tháng 10 triệu và được gần con’. Ai cũng muốn ở gần và vun vén mọi thứ tốt nhất cho con cái cũng như gia đình nhỏ của mình nhưng đó không phải là việc được lựa chọn, mà là sự đánh đổi.Thực sự, giờ tôi sẵn sàng đi làm cả tuần mới về nhà một lần để được mức lương 40 triệu. Tôi chấp nhận mất vài năm tuổi trẻ để gom góp đủ tiền mua một căn nhà, vợ con tôi bớt khổ. Khi đó, tôi sẽ tìm cách cân bằng lại cuộc sống gia đình sau.”
“Trước kia tôi có một người bạn làm việc làng nhàng. Khi tôi kiếm được khá nhiều tiền nên có chia sẻ với anh ấy cơ hội. Anh ấy từ chối với rất nhiều lý do như “muốn an nhàn, dành thời gian cho gia đình”. Sau vài năm tôi có nhà cửa có tài sản, công việc xưa không còn dễ nữa thì anh bạn mới kêu tôi dạy lại. Giờ thì tôi chịu, cái lúc dễ thì không làm, cái lúc khó thì đòi theo.
Tôi là một người xuất phát từ nghèo khó, trong một gia đình nghèo. Thời gian tôi ở bên bố mẹ rất nhiều, cứ đi học về là có bố mẹ ở nhà. Nhưng tôi ước rằng thà bố mẹ cứ bận rộn, không có mặt ở nhà và kiếm nhiều tiền thì có lẽ tôi đã không khổ. Mọi khả năng của tôi đều ở mức trung bình khá, nhưng xuất phát điểm quá thấp, khiến giờ tôi vẫn chưa thực sự thảnh thơi sau bao năm vất vả. Nhìn lại chúng bạn gia đình khá giả, có bước đệm tốt, xuất phát điểm cao hơn mà thèm. Trong khi tôi chẳng có ai giúp, không người nâng đỡ, không người chỉ bảo, đến gia đình cũng không phải là điểm tựa, mọi thứ đều làm từ con số âm.”
Vậy chọn sự vất vả ta phải đối mặt với những gì?
Quay cuồng với deadline, bận đến mức không có thời gian để thở, không có thời gian để mở rộng mối quan hệ và kiếm được thật nhiều tiền nhưng chẳng biết phải tiêu lúc nào, rồi một ngày bạn nhận ra “tôi đang cố gắng vì cái gì đây?”
Thế cuối cùng nên chọn công việc nào?
Sẽ không có câu trả lời nào chính xác cho câu hỏi này đâu vì nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và lớn nhất đó là hoàn cảnh mỗi người.
Bạn có đang đứng ra lo cho gia đình không?
Rắc rối trong công việc đó có nhiều không?
Mục tiêu của bạn hướng đến là gì? Lấy kinh nghiệm hay kiếm tiền?
Bạn có sẵn sàng hy sinh? vì không có thứ gì hoàn hảo cả bạn phải đánh đối mới có được thứ bạn muốn.
Mỗi công việc đều có những mặt lợi và hại khác nhau, bạn phải đánh đổi chọn lựa thật kĩ vì không có cái gì là hoàn hảo cả. Internship chúc bạn sớm có được một công việc “đủ” với bản thân mình!